Tập làm Ngư Dân tại Làng Chài Phước Hải | Tập đánh cá cùng Ngư Dân tại Làng Chài Phước Hải
Những ngư dân nghiệp dư
Ngày cuối tuần, lẫn trong những nhóm du khách đang vui chơi trên bãi biển thuộc khu du lịch Kawasami (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ), có khoảng 10 chiếc thúng câu, cạnh bên là những ngư dân làn da cháy nắng đợi sẵn. Mặt trời đã lên cao hứa hẹn một ngày nắng nóng. Chuyến ra khơi của tour “Một ngày làm ngư phủ” dự kiến xuất phát lúc 9 giờ 30 nhưng mãi đến hơn 10 giờ mới bắt đầu do đoàn khách thuộc Công ty CP Vĩnh Phú (Bình Dương) đến trễ.

Nhóm du khách này có 170 người, phần lớn là giới trẻ, lần đầu tiên được trải nghiệm công việc thực tế của một ngư dân trên biển nên nét mặt ai cũng háo hức. Dù được các lái thúng hướng dẫn tỉ mỉ cách mặc áo phao, kiểu ngồi, nhịp thở để giữ thăng bằng nhưng khi chiếc thúng câu rời mép nước chưa đầy 10m, từng cơn sóng đập vào nhồi ra khiến nhiều bạn trẻ chếnh choáng, tiếng la hét, nói cười rền vang mặt bãi. Sau hơn 20 phút ra khơi, mẻ lưới đầu tiên được thả xuống, chiến lợi phẩm thu về có thúng chỉ toàn rong biển; thúng may mắn hơn được vài con cá cơm, cá đù, cá đối, cá chép biển... nhỏ cỡ hai ngón tay. Tuy vậy, ai cũng thấy thích thú với thành quả lao động của mình. Văn Hùng phấn khởi khoe: “Mẻ lưới vừa rồi dù chỉ có vài con cá nhỏ dính lưới nhưng với tôi đó là niềm vui lớn, vì tôi đã chứng minh với các bạn rằng mình cũng biết đánh cá đấy chứ!”.
Nguyễn Thị Uyên Nga, trợ lý Tổng giám đốc Công ty CP Vĩnh Phú chia sẻ, cứ 2-3 năm công ty lại tổ chức cho nhân viên đi du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu một lần. Được giao nhiệm vụ tiền trạm, Nga tìm kiếm thông tin trên mạng internet và biết tour du lịch mới này. “Hầu hết cán bộ, nhân viên trong công ty đều hào hứng khi được trải nghiệm công việc của ngư dân. Bản thân mình sống ở đô thị, chưa bao giờ đi biển, nên được học và thực hành cách chèo thúng né sóng, nhìn luồng nước có cá, cách thả lưới, cách thoát nạn nếu chẳng may thúng bị sóng đánh lật, tên gọi của nhiều loại cá biển… là những bài học thực tế bổ ích và khó quên trong chuyến du lịch tại Bà Rịa-Vũng Tàu”, Nga nói.
Ngư dân làm du lịch
Tour “Một ngày làm ngư phủ” do anh Đinh Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Phước Hải (khu phố Hải Tân, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) thiết kế và thực hiện. Anh Quang năm nay 37 tuổi. Sinh ra và lớn lên ở làng chài Phước Hải, từ nhỏ anh Quang đã quen thuộc sóng gió, con nước. Anh Quang có thể đọc vanh vách đặc điểm địa hình của mỗi vùng biển trên địa bàn tỉnh vào từng mùa trong năm có thể khai thác các loại hình vui chơi, giải trí trên biển phù hợp.
 |
Thưởng thức tiệc cá nướng, thành quả của một ngày làm ngư dân ngay trên bãi biển. |
Anh Quang cho biết, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Phước Hải thành lập được 3 năm, nhưng trước đây chỉ chuyên đưa khách đi tham quan các tỉnh, thành trong nước. Gần đây, anh Quang quan sát thấy ngư dân địa phương sinh sống bằng nghề lưới câu thuyền thúng khá nhiều, khi họ cập bến du khách rất hiếu kỳ, vây quanh hỏi han, nhiều người còn mong muốn lên thúng ra khơi. “Nguồn khách du lịch chủ yếu của Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn là các tỉnh, thành trong khu vực miền Đông Nam bộ, vì đây là điểm đến phù hợp túi tiền trong bối cảnh kinh tế khó khăn phải cắt giảm chi tiêu cho những chuyến du lịch xa. Hơn nữa, các địa phương trên không có biển, tạo sản phẩm mới từ lợi thế biển của quê hương là cách giúp doanh nghiệp đứng vững và góp phần quảng bá cho địa phương, đó là lý do khiến tôi xây dựng tour “Một ngày làm ngư phủ”, anh Quan nói.
Đầu tháng 6-2013, lịch trình tour được chào báo trên website: dulichlonghai.vn, chỉ sau 2 tuần đã có khách đặt tour và cuối tháng 6, anh Quang đã tổ chức tour đầu tiên cho 80 khách đến từ TP.Hồ Chí Minh. Sau khi kết thúc tour, toàn bộ hình ảnh kỷ niệm tour được anh Quang đăng tải trên website thay lời cảm ơn khách hàng và là cách giúp quảng bá dịch vụ rộng rãi hơn. Nhờ vậy đến nay, sau hơn 2 tháng chào tour, đã có hơn 300 khách mua tour, hầu hết đến từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Để lịch trình tour thêm phong phú, anh Quang còn kết nối các tuyến điểm du lịch khác trên toàn tỉnh để tạo thành một sản phẩm vừa có trải nghiệm đánh cá, nướng cá, tắm biển, vui chơi, mua sắm, nghỉ dưỡng, tham quan di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh. “Tôi muốn thông qua các sản phẩm du lịch giới thiệu nét đặc trưng trong phong tục tập quán, công việc, văn hóa của cư dân miền biển, giúp khách du lịch hòa đồng với cộng đồng dân cư bản địa và có ấn tượng tốt về du lịch địa phương”, anh Quang nói.
Bài, ảnh: MINH HIỀN
Theo http://baobariavungtau.com.vn